Hướng dẫn lựa chọn máy bơm dân dụng hiệu quả

Máy bơm nước là thiết bị quan trọng trong các hộ gia đình, lựa chọn một chiếc máy bơm không hề khó, nhưng lựa chọn làm sao cho phù hợp và tiết kiệm thì đòi hỏi các khách hàng cần phải tìm hiểu kĩ càng.

Một số loại bơm dân dụng phổ biến

Bơm đẩy cao

Bơm đẩy cao dùng để hút nước từ bể ngầm, đường ống và đẩy nước lên bể đặt trên nóc nhà. Có 3 loại bơm đẩy cao phổ biến đó là:

+ Bơm ly tâm: Hoạt động khỏe, ổn định, nhưng rất dễ dẫn đến cháy nổ nếu để máy chạy khô. Loại bơm này không bơm được đối với các nguồn nước có lẫn khí hoặc khoảng trống (không thể bơm trực tiếp nước từ đường ống).

+ Bơm bán chân không: Hoạt động khỏe, không kén chọn, có thể hút được nước từ bể ngầm hoặc trực tiếp từ đường ống.

+ Bơm chân không: Tương tự như bơm bán chân không, có thể hút được nước từ các bể ngầm hoặc hút trực tiếp từ đường ống. Tuy nhiên, cánh bơm nhỏ nên cho lưu lượng nước thấp.

Máy bơm tăng áp

Bơm tăng áp được sử dụng để tăng áp lực nước trong đường ống. Hiện nay có 4 loại bơm tăng áp phổ biến

+ Bơm tăng áp lắp ghép: Là sự kết hợp của 1 máy bơm thường được lắp ráp vào hệ thống bình áp và rơ le áp lực mua riêng. Loại này dùng để bơm cho hệ thống lớn nhiều đầu vòi ra hoặc bơm tăng áp tổng toàn bộ tòa nhà.

+ Bơm tăng áp cơ: Được tích hợp sẵn rơ le và bình áp trên thiết bị. Loại này phổ biến và được dùng nhiều nhất trên thị trường. Một số dòng bơm hiện nay còn được lắp ráp thêm rơ le cảm biến dòng chảy và công tắc áp lực điện tử, có thể tự ngắt khi mất nước nguồn.

+ Bơm tăng áp điện tử: Sử dụng công nghệ điện tử hiện đại, có độ bền cao, không gây tiếng ồn khi hoạt động. Bên cạnh đó, khi ngừng hoạt động, bơm không duy trì áp lực trong đường ống => giảm thiểu hư hỏng đường ống.

+ Bơm tăng áp có hệ thống biến tần: Đây là dòng bơm áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Người sử dụng có thể điều chỉnh được lưu lượng cũng như áp lực tùy theo ý muốn. Một nhược điểm của loại bơm này là giá thành tương đối cao nên thường được sử dụng trong các căn hộ cao cấp hoặc các hệ thống bơm nước lớn cần sự ổn định cao.

Một số điểm cần chú ý khi lựa chọn bơm dân dụng

Máy bơm đẩy cao

a. Công suất (dựa vào chiều cao nhà):

- Nhà 2 đến 3 tầng với điều kiện nước được hút dễ dàng từ bể chứa ngầm hoặc đường ống mạnh: chọn máy 125W, 150W (đối với bơm chân không) hoặc 370W (bơm ly tâm hoặc bán chân không).

- Đường nước yếu hoặc nhà từ 4 tầng trở lên: chọn máy 250W (bơm chân không) hoặc 750W (bơm ly tâm hoặc bơm bán chân không) trở lên.

b. Cột áp( dựa vào khoảng cách từ bể chứa ngầm đến bể chứa cần bơm):

- Nên lựa chọn máy có cột áp cao hơn khoảng cách đã đo được để bù trừ ma sát đường ống, gấp khúc,...

c. Lưu lượng (dựa vào thể tích bể):

Cần xác định thể tích bể và khoảng thời gian để bơm đầy bể phù hợp với nhu cầu của quý khách.

Máy bơm tăng áp

Dựa vào nhu cầu thực tế các thiết bị mà gia đình bạn cần sử dụng để lựa chọn công suất phù hợp. Thông thường, đối với nhà 2 tầng sử dụng các thiết bị thông thường, quý khách nên sử dụng loại máy có công suất từ 125 đến 200W (nên dùng 200W để đảm bảo nguồn nước được ổn định, lượng nước cung cấp nhiều và nhanh.

Do máy bơm tăng áp thường được lắp đặt tại các vị trí gần khu vực sinh hoạt nên vấn đề về thẩm mĩ cũng như tiếng ồn khi vận hành cũng nên được quan tâm. Quý khách nên lựa chọn thương hiệu máy phù hợp với túi tiền và có thể đảm bảo các yêu cầu nêu trên.

Máy bơm hút giếng

Lưu ý mực nước ngầm để chọn đúng loại bơm ( mực nước ngầm tính từ vị trí mặt nước tĩnh đến chỗ đặt máy bơm).

- < 5 mét: dùng loại bơm cánh thông thường.

-  Từ 5 đến 9 mét: máy bơm trục ngang hoặc máy bơm chuyên hút sâu.

- > 9 mét: dùng máy bơm giếng sâu.